Phân tích hình tượng cây tre trong bài thơ Tre Việt Nam của Nguyễn Duy – Nước ta ở về vùng nhiệt đới. Ánh nắng chan hòa, trời xanh mênh mông. Quê hương ta rất đẹp, xanh muôn ngàn cây lá, hoa thơm trái ngọt bốn mùa. Bao trùm quê hương ta, đất nước ta là màu xanh của tre trúc; màu xanh thân mật đáng yêu. Đã bao đời nay, tre hiện diện trong truyền thuyết cổ tích, trong ca dao dân ca, trong thơ văn dân tộc và trong đời sống nhân dân.
Nhà thơ trẻ Nguyễn Duy có bài thơ “Tre việt Nam” được nhiều người yêu thích. Tác giả ca ngợi cây tre là vẻ đẹp cảnh sắc làng quê, là biểu tượng cao quý cho tâm hồn và khí phách của dân tộc. Hình tượng cây tre được nhà thơ thể hiện một cách sáng tạo và nên thơ.
- Màu xanh của tre cũng là màu xanh bất tuyệt muôn đời của quê hương xứ sở. Ngắm lũy tre làng, nhà thơ trầm trồ xúc động tự hỏi. Câu lục ngắt thành hai dòng thơ như một điểm dừng của cảm xúc nén xuống bỗng trào lên:
“Tre xanh Xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh”.
“Chuyện ngày xưa” là chuyện Thánh Gióng, khi “Dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”. Ba chữ “xanh” liên tiếp mang sắc thái ý nghĩa thẩm mĩ đặc sắc. Chữ “xanh” thứ nhất và thứ ba là định ngữ, chữ “xanh” thứ hai là tính từ – vị ngữ: “xanh tự bao gi(f”. Sự chuyển đổi từ loại ấy đã tạo nên sắc thái biểu cảm: thoáng một phút ngỡ ngàng trước màu xanh của tre, của lũy tre làng ta.
- Vẻ đẹp của tre là ở sức sống mãnh liệt, là ở sự liên kết “nên lũy nên thành” qua năm tháng cuộc đời và lịch sử:
“Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bục màu?”
Những nét vẽ “gầy guộc, mong manh” tương phản với “thành lũy”, “xanh tươi” đối lập với “đất sỏi, đất vôi bục màu” đã khẳng định và ngợi ca sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của nhân dân, của quê hương, đất nước ta. Câu hỏi tu từ xuất hiện liên tiếp diễn tả cao độ cảm xúc tự hào, thán phục trước cốt cách hiên ngang, sự bền vững của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam mà không một sức mạnh nào, kẻ thù nào có thể lay chuyển được.
Lá tre reo rì rào, “tre đu”, tre “hát ru lá cành” những trưa hè gió nồm nam mát rượi. Nhạc của tre là khúc nhạc đồng quê tượng trưng cho tinh thần lạc quan của con người Việt Nam trên những chặng đường lịch sử đi tới. Màu xanh của tre, sức sông của tre là ở sự bền bỉ, ở sự “chắt dồn lâu” mà nên, mà có. Tre được nhân hóa mang tính cách con người, cần mẫn và kiên nhẫn, vần thơ đẹp ở hình tượng, dào dạt ở cảm xúc, thâm trầm ở ý tưởng, hàm chứa một quy luật, một triết lí nhân sinh được đúc kết:
“Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”.
“Rễ riêng” là một hoán dụ nghệ thuật thoát sáo ca ngợi đức tính cần cù của người nông dân Việt Nam.
- Nói đến tre là nói đến cây măng. “Tre già măng mọc” (Tục ngữ). Sáu trăm năm về trước Nguyễn Trãi cảm nhận măng trúc Yên Tử là “muôn hùng giáo ngọc”. Trong thời đại Hồ Chí Minh, nhà thơ Nguyễn Duy với tâm thế người lính đã nhận diện măng tre là “nồi tre” nhọn hoắt như mũi chông đánh giặc. Măng tre mang tầm vóc dũng sĩ. Một so sánh liên tưởng rất thơ và nhiều sáng tạo:
“Nòi tre đâu chịu mọc cong,
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.
(…) Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre”.
- Màu xanh của tre là màu xanh của quê hương xứ sở. Tre là vẻ đẹp của quê hương đất nước, vẻ đẹp thanh bình muôn đời. Mở đầu là câu hỏi: “Tre xanh – xanh tự bao giờ…ở phần kết là khẳng định, ngợi ca:
“Mai sau Mai sau Mai sau
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh “.
Câu lục được cắt thành ba dòng thơ diễn tả dòng chảy lịch sử, dòng chảy thời gian. Tre và màu xanh của tre mãi mãi trường tồn với đất nước và con người Việt Nam. Ba chữ “xanh” trong câu cuối bài thơ cho thây một bút pháp rất tài hoa.
Hình tượng cây tre Việt Nam được Nguyễn Duy thể hiện và cảm nhận bằng những vần thơ đẹp đậm đà sắc điệu trữ tình, mượt mà màu sắc ca dao dân ca.
Bao thế hệ Việt Nam anh hùng đã anh dũng cầm gộc tre, chông tre chống lại sắt thép quân xâm lược, đã tạo cho Nguyễn Duy cảm hứng tự hào để nói về sắc tre, rễ tre, dáng tre, nòi tre, măng tre đầy sáng tạo.
Ta yêu cây tre, lũy tre làng quê, ta yêu dáng đứng bền vững hiên ngang của đất nước và con người Việt Nam.