Kể lại một chuyến tham quan di tích lịch sử – bài văn hay lớp 6: Giờ sử tuần trước, cô chủ nhiệm giảng về cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc ta. Chủ nhật này, cô tổ chức cho cả lớp đi thăm Bảo tàng Lịch sử dể hiểu kĩ bài hơn.
Từ mờ sáng, khi sương mai còn đẫm trên lá cây, đã có mấy bạn tập trung ở cổng trường. Đồng hồ chỉ bảy giờ, cô diểm danh, ai cũng dõi mắt chờ xe đến đón. Buổi tham quan hôm nay có thầy Hiệu phó, Ban chỉ huy liên đội cùng toàn thể học sinh lớp 5A chúng em.
Đang đứng đợi, mọi người giật mình trước tiếng reo hò vui mừng của các bạn nam: “Xe đến rồi!”. Cô giáo sắp chỗ cho cả lớp theo từng tổ, cô còn dặn đóng cửa xe trước khi khởi hành. Đó là một chiếc xe buýt, dài và rộng, có nhiều ô cửa nhỏ mở thoáng gió. Thầy dặn các bạn không nên thò đầu ra, vì rất nguy hiểm. Hôm nay đẹp quá, trời trong xanh hoà với gió nhẹ. Xe lao nhanh, để lại những hàng cây lùi dần sau lưng.
Trên xe, Ban chỉ huy liên đội điều khiển sinh hoạt, cả lớp vỗ tay reo hò thật lớn, người đi đường ai cũng nhìn theo. Hôm nay cả lớp đều mặc đẹp, ai cũng thắt khăn quàng đỏ. Các bạn nữ diện đầm đủ màu, kẹp nơ vàng, nơ đỏ như những con bướm. Các bạn nam mặc áo sọc xanh, áo sơ mi hay áo pull, chân di giày ba ta. Vì ở trưa, nên cô dặn các bạn đem thức ăn riêng cho mình. Chẳng mấy chốc, xe dừng lại khu triển lãm, nằm trên đường X… quận… Ngay lối vào, có một bản lớn màu đỏ trang trọng: “Bảo tàng Lịch sử”. Các bạn xếp bốn hàng dọc, lần lượt theo thầy cô vào tham quan.
Bước vào trong, cả một khoảng sân rộng được trồng bông và cây kiểng. Vài người khách nước ngoài cũng đi tham quan, đang nói chuyện và chỉ tay về phía vườn hoa. Đi một quãng, bãi dài giữ xe đủ loại. Xe hơi có, xe gắn máy có, xe đạp có… xếp san sát nhau. Hôm nay ngày chủ nhật nên nhiều người đi tham quan, có cả những em bé học lớp một cũng đi theo ba mẹ.
Đi sâu vào trong là khu triển lãm đông nghẹt người. Khu này chia thành nhiều phòng nhỏ, mỗi phòng đều được quét vôi sáng treo bao nhiêu tượng và ảnh xung quanh. Chính giữa phòng ở vị trí trang trọng đặt chiếc trống đồng, về trống dồng chúng em đã nghe cô giới thiệu từ lâu, bây giờ mấy trực tiếp thấy tận mắt. Trống to, đặt trong tủ kính, nổi rõ những đường hoa văn, ai cũng trầm trồ thích thú. Bên cạnh trống là những chiêng, trống con, chày, cối giã gạo thuở xưa.
Sang phòng kế tiếp, vô số bức tranh, ảnh dược treo gọn ghẽ trên tường. Đây là hình sông Bạch Đằng nơi Ngô Quyền đánh quân Nam Hán. Những cặp gỗ cắm đầy trên mặt nước. Kia là ảnh con sông Như Nguyệt nơi mà Lý Thường Kiệt sang sảng ngâm bài thơ Thần. Hấp dẫn hơn là tượng Hưng Đạo Vương oai phong đang chỉ giáo cầm quân ra trận. Rồi Lý Thái Tổ, Nguyễn Trãi… trang nghiêm cạnh bên những cây giáo, cây mác đã từng cùng các ông ra trận làm nên chiến công.
Đi đến đâu, cô đều giảng cặn kẻ cho chúng em nghe, ơ cuối phòng sừng sững bức tượng Phật Bà nghìn tay nghìn mắt, chung quanh tượng, nhang đèn sáng trưng. Tượng ở đây to lớn hơn hình vẽ trong sách giáo khoa mà bọn em đã thấy. Khách nước ngoài dừng lại xem tượng rất dông, họ chắp tay vái lạy và chụp hình lia lịa. Cô giáo dẫn chúng em sang phòng kế. Phòng này trưng bày những hiện vật thời Mĩ ngụy. Ngay góc phòng là sa bàn một trận ném bom dữ dội, máy bay ngập trời, bom đạn đầy đất. Rồi những em bé chen chân nhau chạy giặc, khóc gào thảm thiết. Hình ảnh bọn lính bắt dân ta, đánh đập dã man. Xa xa, các nhà tù của giặc mọc lên với vô vàn gông cùm, xiềng xích. Chúng tra tấn đến chết những chiến sĩ cách mạng dũng cảm.
Nạn nhân chiến tranh thật là tội nghiệp, có hình chụp người bị mất một cánh tay, tay kia máu chảy ròng ròng. Có cụ già chạy không kịp, lê đôi chân dập nát, nước mắt chảy đầm đìa. Vài bạn nữ lớp em đứng xem những hình ảnh ấy đều rơm rớm nước mắt. Cô dẫn chúng em di khắp phòng, đâu đâu cũng hiện lên tội ác của giặc Mỹ.
Trưa đến, cả lớp đều mỏi chân. Mọi người tập trung ngay vùng đất rộng sau Viện Bảo tàng để nghỉ ngơi và dùng bữa. Vừa ăn trưa, các bạn vừa bàn tán theo từng nhóm nhỏ, kể cho nhau nghe những gì mình đã thấy và đã nghe. Nghỉ một lát, xe đến đón chúng em ra về.
Ngồi trên xe, ai nấy đều thích thú nhớ lại chuyến thăm quan hôm nay. Nếu sáng nay em lười không đi thì thật đáng tiếc. Vừa được xem lại được nghe cô giảng về di tích lịch sử của đất nước. Em nghĩ rằng, về đến nhà em sẽ kể cho cả nhà cùng nghe.