Tiếng gà trưa là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Bài thơ lấy bối cảnh những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Là tiếng lòng của người chiến sĩ trẻ đang cùng đồng đội trên đường hành quân vào Nam chiến đấu. Mời các bạn theo dõi bài phân tích các Biện pháp tu từ trong bài Tiếng gà trưa sau đây.
Điệp từ
Bài thơ đã sử dụng nhiều biện pháp tu từ đắt giá, đẩy cảm xúc người đọc lên cao trào.
– Điệp từ “nghe” và “vì”:
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ.
và:
Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ.
Điệp từ “nghe” có tác dụng khơi mở cảm xúc, thể hiện nỗi xúc động của người chiến sĩ. Tiếng gà là âm thanh gợi nên kỷ niệm ấu thơ tươi đẹp bên người bà. Nghe thấy tiếng gà, người lính cảm thấy phấn chấn, đồng thời thể hiện tình yêu gia đình thắm thiết. Điệp từ “vì” nhấn mạnh mục tiêu cao cả của người lính: chiến đấu để bảo vệ quê hương. Bảo vệ những ký ức tươi đẹp, thân thuộc, gần gũi, vì gia đình của mình. Những hành động dũng cảm nhất đôi khi bắt nguồn từ những điều bình dị nhất. Ngôi nhà, người bà, ổ trứng hồng… đều đã gắn bó như máu thịt. Đó cũng là động lực để người lính không quản ngại nguy hiểm lao vào chiến trường.
Câu thơ “Nghe bàn chân đỡ mỏi” sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Người lính không chỉ nghe bằng tai mà còn “nghe” bằng cảm xúc. Tiếng gà thân thuộc khiến anh cảm thấy như lạc về tuổi thơ, thấy khỏe hơn, “bàn chân đỡ mỏi”. Con đường hành quân cũng nhờ đó mà bớt xa xôi, vất vả hơn.
Liệt kê
– Phép liệt kê:
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng
Tác giả như đang lạc vào dòng ký ức miên man. Từng câu thơ liệt kê miêu tả đặc điểm của đàn gà thể hiện tình cảm gắn bó, yêu thương. Bởi những con gà không chỉ là vật nuôi mà còn là người bạn, là nguồn sống của bà và cháu.
Tham khảo thêm bài viết – Các biện pháp tu từ trong bài Tương tư
So sánh
– Phép so sánh:
Lông óng như màu nắng
Hình ảnh con gà mái với màu lông đặc biệt đã in đậm trong hồi ức trẻ thơ của tác giả. Trong con mắt của trẻ nhỏ, mọi thứ xung quanh đều đẹp đẽ, lung linh. Ấn tượng ấy đã theo người lính và trở thành động lực cho anh lên đường đánh giặc.
Chỉ một âm thanh quen thuộc có thể đưa ta về biết bao ký ức tươi đẹp của tuổi thơ. Tiếng gà trưa trên con đường hành quân đã khiến người chiến sĩ sống lại những ngày tháng bên bà. Tiếng gà cũng là một sợi dây vô hình nối liền quá khứ với hiện tại. Là biểu tượng của quê hương, của những người thân yêu đang chờ đợi người lính nơi quê nhà. Những biện pháp tu từ trong bài Tiếng gà trưa cũng góp phần nên thành công của tác phẩm. Giúp bài thơ dễ dàng chạm được đến cảm xúc của người đọc, để lại ấn tượng khó phai hơn.