Phân tích chi tiết hình ảnh bát cháo hành của Thị Nở trong truyện Chí Phèo của Nam Cao – Tác phẩm Chí Phèo của nhà văn hiện thực và nhân đạo Nam Cao là một bức tranh thê thảm đầy bi thương của kiếp sống đói nghèo nhưng lương thiện, bị xô đẩy, tha hóa rất đáng cảm thương của những người nông dân.
Xuyên suốt toàn tác phẩm là những hành động ngang ngược, độc ác, xấu xa của nhân vật Chí Phèo – một con người lương thiện bị tước đoạt, xô đẩy và lưu manh hóa. Nhưng ở đoạn cuối của tác phẩm (Chí Phèo say rượu rồi gặp Thị Nở…), Chí Phèo đã có ý thức vươn lên khao khát được làm người lương thiện. Động lực thúc đẩy ỡ đây là tình thương của Thị Nở và bát cháo hành của thị. Nếu như trước đây, Chí chỉ biết uống rượu, chửi bới, dọa nạt, cướp giật, nằm vạ… thì giờ đây khi được ăn bát cháo hành của Thị Nở, hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ôi sao mà hắn hiền…? Bát cháo có gì đâu: một chút gạo, vài cọng hành, vài ba hạt muôi mà hiệu quả thật không ngờ, bát cháo hành quả là liều thuốc giải độc. Nó vừa giúp Chí Phèo thoát ra khỏi cơn ốm sau khi say rượu vừa khơi dậy bản chất ý thức con người ở Chí. Phải chăng bát cháo hành đơn sơ chân quê đó đã được nấu bằng tất cả tấm lòng yêu thương chân thật của Thị Nở? Đúng vậy “bát cháo hành” tượng trưng cho tình cảm của Thị Nở với Chí Phèo, một tình cảm dịu dàng, giản dị nhưng đong đầy ân tình, nhân nghĩa…
Khi nhận được bát cháo hành, Chí rất ngạc nhiên. “Hết ngạc nhiên thì hắn thây mắt hình như ươn ướt”. Và Chí Phèo đã khóc, dòng nước mắt xúc động nghẹn ngào. Hắn đã khóc vì lần đầu tiên hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì…”. Hắn đã nhìn bát cháo bốc khói mà “bâng khuâng”, “vừa vui vừa buồn”. Và một cái gì nữa giống như là ăn năn. Tự bao giờ, những tình cảm con người đã thức dậy trong tâm can “con vật lạ, con quỷ dữ” của làng Vũ Đại ấy. Bên cạnh Chí, Thị Nở múc cháo nhìn trộm hắn rồi lại toe toét cười. Trông Thị thế mà có duyên…”. Lần đầu tiên, Chí đã biết đến cái duyên của một con người. Rồi hắn nhớ lại khi xưa nghĩ về quá khứ của mình khi phải săn sóc cho bà Ba, phải làm những việc xấu xa, hắn đã thấy nhục hơn là thích, rồi hắn thấy sợ. Xưa kia, cũng như bây giờ, hắn thật trong sáng, lương thiện. Vì vậy, “bát cháo hành của Thị Nở làm hắn suy nghĩ nhiều. Hắn có thể
tìm bạn được, sao lại chỉ gây thù?”. Thật kì diệu, những sự chăm sóc giản dị đầy ân tình và tình yêu thương mộc mạc, chân thành của Thị Nở đã đánh thức dậy bản chất lương thiện của người nông dân lao động trong anh. Đây là một đoạn văn tuyệt bút, đầy chất thơ.
Đồng thời khi ăn bát cháo ấy, “hắn càng ăn mồ hôi lại càng nhiều”. Và tất nhiên với một người cảm gió, mồ hôi ra được nhiều là sẽ khỏi hẳn. Hắn cũng thế, đã khỏi bệnh. Hắn đã cảm nhận được vị ngon của cháo “Trời ơi, cháo mới thơm làm sao !… những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo ăn rất ngoa..”. Nhưng tại sao mãi đến bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo “Hắn tự hỏi rồi tự trả lời… Đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một tay “đàn bà…”.
Câu trả lời của Chí một lần nữa khẳng định sự kì diệu mà Thị Nở đã đem đến cho Chí Phèo. Một tình cảm ngàn vàng giữa hai con người cùng cảnh ngộ khốn cùng.
Cuộc gặp gỡ Thị Nở đã loé sáng như một tia chớp trong cuộc đời tăm tối của anh. Tinh yêu thương đã thức tỉnh Chí và linh hồn của Chí lâu nay phải bán cho quỷ dữ để đổi lấy miếng cơm, manh áo thì nay đã trở về với bát cháo hành và tình thương của Thị Nở là một liều thuốc quý không gì so sánh được mà nhà văn đã ban cho Chí Phèo bằng tấm lòng nhân đạo của mình.