Ông Đồ là một dấu lặng thiết tha và trăn trở về số phận của những con người “cũ”. Người “cũ” lạc giữa xã hội “mới”, hẳn sẽ có nhiều bẽ bàng. Những tâm tư ấy đã được Vũ Đình Liên thể hiện qua câu hỏi tu từ trong bài thơ Ông Đồ.
Ông Đồ là bài thơ mang không khí buồn mang mác. Cả bài thơ có 2 lần sử dụng câu hỏi tu từ, đều đặt ở những vi trí rất đắt giá. Trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt cổ truyền, Tết Nguyên đán gắn liền với 2 hình ảnh. Đó là cành hoa đào nở rộ thắm tươi và “ông đồ già” ngồi trên phố đông viết câu đối. Những câu đối ý nghĩa, đẹp mắt cùng nét chữ “phượng múa rồng bay” là niềm hãnh diện cho gia chủ. Ngày trước, mỗi dịp xuân về, ông đồ lại bày giấy đỏ, mực tàu và bao người xúm đến thuê. Vậy là thành không khí Tết. Người qua kẻ lại vây quanh ông không chỉ để thuê mà còn vì ngưỡng mộ tài viết của ông. Nhưng giờ đây tất cả đã khác xưa:
Rồi mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Cái quạnh hiu không đến đột ngột. Nó đi từng bước chậm, đám đông vãn dần qua từng mùa hoa đào. Cho đến một ngày ông đồ nhìn lại thì chẳng còn ai, mình ông lạc lõng. Câu thơ là một câu hỏi buồn. Buồn cho sự đổi thay của xã hội. Buồn cho một thời vàng son đã dần phai nhạt. Mùa xuân này chỉ còn ông đồ lặng lẽ trong vắng vẻ thê lương.
Đọc thêm bài viết – Bình luận tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký
Và rồi câu thơ cuối, Vũ Đình Liên nghẹn ngào:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Câu hỏi tu từ ở cuối bài thơ là lời tự vấn ngậm ngùi mà cũng rất khẽ khàng. Lời thơ đầy chiều sâu và tính tự sự. Từ hình ảnh ông đồ trên hè phố ngày xuân, tác giả liên tưởng đến những con người thế hệ cũ. Xót xa cho những thân phận nhỏ bé trước dòng xoáy của thời cuộc. Họ đã quen với nếp sống cũ, với những thói quen cũ, ngành nghề cũ. Xã hội biến đổi từng ngày đã “gạt” họ sang bên lề một cách phũ phàng. Những con người ấy, giờ đây họ lưu lạc về đâu? Và những giá trị tinh thần, những tinh hoa văn hóa truyền thống sẽ đi về đâu? Còn lại đây chỉ là sự phai nhạt, bẽ bàng và đầy tê tái.
Ông Đồ là tiếng lòng xót xa của Vũ Đình Liên trước thời hoàng kim nay đã úa tàn. Đó cũng là sự tiếc thương của tác giả với những giá trị cổ truyền trước biến thiên thời đại. Bài thơ khép lại nhưng câu hỏi tu từ trong bài thơ Ông Đồ vẫn vọng mãi trong lòng người đọc.